UBND TP.HCM vừa ban hành kế hoạch triển khai đề án phát triển đô thị sáng tạo, tương tác cao phía Đông. Trong đó, sẽ tập trung lập quy hoạch chung Thủ Đức, phát triển hạ tầng giao thông, đề xuất khung chính sách phát triển Thủ Đức.
Thành phố phía Đông rộng 211,57km2 gồm 3 quận 2, 9, Thủ Đức được kỳ vọng sẽ là hạt nhân thúc đẩy kinh tế TP.HCM và vùng kinh tế trọng điểm phía Nam
Ngày 26-1, UBND TP.HCM vừa có quyết định ban hành kế hoạch triển khai đề án "Hình thành và phát triển đô thị sáng tạo, tương tác cao phía Đông TP giai đoạn 2020-2035" năm 2020-2025.
Quyết định này hủy bỏ quyết định 2655 ngày 28-7-2020 của UBND TP ban hành kế hoạch hành động về xây dựng đô thị sáng tạo, tương tác cao phía Đông.
Các chỉ tiêu cơ bản cho khu đô thị phía Đông:
Đến năm 2025 sẽ lập định hướng khung phát triển và chiến lược. Xây dựng cơ chế tổ chức. Xác định nhóm ngành ưu tiên. Thiết lập hợp phần 3 nhà (nhà nước - nhà đầu tư - nhà giáo dục). Đồng thời phê duyệt và công khai quy hoạch chung Thủ Đức và quy hoạch phân khu các khu vực trung tâm đổi mới sáng tạo.
Khu đô thị sẽ thu hút 50.000 dân cư đến sinh sống và làm việc, trong đó có khoảng 20.000 kỹ sư và chuyên gia;
Hình thành quỹ đất phát triển khoảng 100ha, tập trung chính vào các trụ cột kinh tế sáng tạo có sẵn như Khu công nghệ cao, khu đô thị mới Thủ Thiêm, khu Đại học Quốc gia TP;
Đạt mức 25% dân số sử dụng phương tiện công cộng. Tăng 60% số kilômet đường phục vụ giao thông công cộng sau 5 năm. Khép kín vành đai 2 và triển khai xây dựng quốc lộ 13, Vành đai 3;
Hình thành dự án tuyến metro số 1 với Bình Dương, triển khai xây dựng cầu Cát Lái, cầu Nhơn Trạch. Xây dựng, đầu tư hệ thống 5G cho Thủ Đức…
Chỉ tiêu đến năm 2035, Thủ Đức đóng góp 1/3 GRDP của TP.HCM và 7% GDP cả nước. Thu hút 100.000 dân cư đến sinh sống và làm việc, trong đó có khoảng 80.000 kỹ sư và chuyên gia;
Giao thông công cộng cần đáp ứng 50-60% nhu cầu đi lại, mật độ mạng lưới giao thông công cộng tăng. Mật độ đường cao tốc và trục chính đô thị đạt 1-1,2km/km2.
Triển khai hệ thống kiểm soát ngập, đảm bảo chống ngập tới tần suất 80% (5 năm mới xảy ra ngập 1 lần); 30% diện tích công viên sẽ trở thành hồ điều hòa để giảm rủi ro ngập…
Nghiên cứu các giải pháp ứng dụng công nghệ thông tin để phục vụ xây dựng chính quyền điện tử. Phát triển đô thị thông minh phù hợp với kiến trúc chính quyền điện tử thành phố.
Về cơ sở hạ tầng, TP.HCM sẽ lập quy hoạch và đầu tư phát triển hạ tầng giao thông cho Thủ Đức theo định hướng đô thị sáng tạo, tương tác cao. Nghiên cứu giải pháp tăng cường vận tải hành khách công cộng đáp ứng 50-60% nhu cầu đi lại của người dân.
Ứng dụng công nghệ thông tin ở cấp độ cao để giải quyết các yêu cầu của người dân và doanh nghiệp. Lập kế hoạch và triển khai các dự án hợp tác có tính kết nối liên ngành, liên quận, liên kết vùng trên các lĩnh vực, xây dựng chiến lược đào tạo nguồn nhân lực trình độ cao.
Xây dựng chiến lược phát triển đô thị, đề xuất khung chính sách để quy hoạch và đầu tư phát triển Thủ Đức. Các chương trình kêu gọi đầu tư ưu tiên các dự án phát triển đô thị có quy mô trên 10ha, các dự án phát triển nhà ở xã hội, nhà ở tái định cư, nhà ở cao tầng dọc các trục và hành lang giao thông trọng điểm...
UBND TP cũng đưa ra các nhóm chính sách phát triển và thu hút hoạt động các ngành kinh tế tại các khu vực trọng điểm.
- Trong đó, khu đô thị mới Thủ Thiêm sẽ phát triển trung tâm công nghệ tài chính quốc tế gắn với chương trình chuyển đổi số.
- Khu liên hợp thể dục thể thao Rạch Chiếc sẽ phát triển trung tâm thể thao và chăm sóc sức khỏe.
- Khu công nghệ cao sẽ phát triển các hoạt động nghiên cứu, thiết kế, thử nghiệm, sản xuất mẫu thử, sản xuất sản phẩm sáng tạo công nghệ cao.
- Khu Đại học Quốc gia TP sẽ phát triển dịch vụ học tập và đào tạo, hợp tác quốc tế, không gian sáng tạo, nghiên cứu và phát triển, vườn ươm khởi nghiệp.
- Khu đô thị mới Tam Đa sẽ phát triển công nghệ nhà ở thích ứng môi trường, năng lượng tái tạo, nông trại cao tầng, đa dạng sinh học, chăm sóc sức khỏe thể chất và tinh thần.
- Khu đô thị Trường Thọ sẽ xây dựng một hình mẫu về đô thị tương lai để sống, làm việc và nghỉ ngơi với sự thử nghiệm hạ tầng cơ sở lý tưởng, quản lý đô thị bằng công nghệ và dữ liệu chung, thích nghi biến đổi khí hậu, ứng dụng sáng tạo vào các ngành nghệ thuật, giải trí, công nghệ xây dựng và vật liệu sinh thái.
Theo Tuổi Trẻ